Giải pháp “cứu” Hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long trước nguy cơ sụp đổ
2023.08.29
Các doanh nghiệp và các chủ phương tiện vận tải khách phải giảm tốc độ, giữ khoảng cách với hòn Trống Mái tại khu vực Vịnh Hạ Long.
Đó là một trong những yêu cầu được Ban Quản lý vịnh Hạ Long đưa ra để cứu hòn Trống Mái được nói đang có nguy cơ bị sạt lở trong thời gian tới.
Truyền thông nhà nước trong ngày 29/8 cho biết, theo kết quả nghiên cứu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt nam, hiện nay hòn Trống Mái tồn tại 40 khối đá có nguy cơ trượt lở, đổ lở cao (11 khối trên hòn Trống và 29 khối trên hòn Mái).
Một bài viết trên tờ nzherald.co.nz (25/8) cũng ghi nhận một nghiên cứu gần đây đã xác định được một số vết nứt chạy qua các cấu trúc nghiêng.
Ngoài ra, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo có nguy cơ nước biển dâng cao và xảy ra địa chấn.
Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất cho biết, các khối đá có thể bị đe dọa hơn nữa ngay cả khi có sự xuất hiện của các tàu du lịch.
“Du khách có thể nhìn thấy những tảng đá bấp bênh khi thủy triều xuống. Mực nước khi đó xuống thấp, lộ ra chân đỡ các khối đá đang dần bị xói mòn, có nguy cơ sụp đổ nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố”, ông Viện trưởng nói với Asia News Network tại Việt Nam.
Hiện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đưa ra bốn giải pháp công trình để giữ ổn định hòn Trống Mái gồm khoan neo, áp dụng cho các khối đá có nguy cơ trượt phẳng cao; xây tường bê tông, áp dụng cho các khối đá đã bị sạt mất phần chân, bề mặt đá bị phong hoá mạnh; Trám bịt các hệ thống khe nứt mở, giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các hệ thống khe nứt và giải pháp chống ăn mòn chân đảo và phun vảy bê tông trộn sợi polyme nhằm bảo vệ chân đảo.
Đại diện Ban quản lý Vịnh cũng cho biết trước đây các hệ thống đứt gãy trong khu vực chính là nguyên nhân khách quan tất yếu của những trường hợp sạt lở, đổ lở đảo đá trên vịnh Hạ Long như sạt lở hòn 649 năm 2013, sạt lở hòn Thiên Nga năm 2016, sạt lở hòn Bề Hẹn Đông năm 2019, sạt lở hòn 365 năm 2020....