Quan chức địa phương sợ chiến dịch chống tham nhũng, Chính phủ lo ngại giải ngân vốn đầu tư thấp
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và chưa đạt mục tiêu đề ra được cho là có một phần nguyên nhân từ sự lo ngại, né tránh sợ trách nhiệm của công chức địa phương vào khi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản đang lan rộng.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (ở mức 30,49%). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ là 32,76%.
Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao, lên đến 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương. Có 15 bộ, cơ quan trung ương 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn số vốn của chính bộ, cơ quan trung ương và địa phương đó đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023.
Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: TP HCM, Quảng Ngãi, TP Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: tiến độ đầu tư công như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển; giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Ông Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.
Bloomber dẫn lời kinh tế gia Trần Đình Thiên – thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia cho biết việc đẩy nhanh các khoản đầu tư công là bước quan trọng cho tăng trưởng kinh tế lúc này, giống như “bơm máu vào một cơ thể đang yếu”.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý vừa qua đạt 6,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng cả năm của Việt Nam chỉ đạt 5,8%, thấp hơn Philippines ở mức dự báo là 6,2%.
Ông Trần Đình Thiên nhận định với Bloomberg rằng “các quan chức đang sợ trách nhiệm nếu có bất cứ điều gì sai vào khi có những quy định thường không đồng nhất và trái ngược nhau khiến họ bị kẹt”. Theo kinh tế gia, những điều này đã cản trở phần lớn việc giải ngân đầu tư công.