Ngành tôm Việt Nam bị tố cáo lạm dụng lao động trẻ em, bóc lột người lao động để giảm giá thành

2024.09.04
Ngành tôm Việt Nam bị tố cáo lạm dụng lao động trẻ em, bóc lột người lao động để giảm giá thành Nông dân nuôi tôm đang chuyển tôm vào hồ nuôi ở Mỹ Xuyên hôm 13/7/2017 (minh họa)
Roberto SCHMIDT / AFP

Ngành tôm Việt Nam vừa bị một tổ chức quốc tế tố cáo là đã sử dụng khoảng 30.000 lao động trẻ em, bóc lột người lao động nhằm giảm giá thành. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hôm 3/9 ra thông cáo báo chí phản bác cáo buộc này.

Báo cáo của Sustainability Incubator được công bố hôm 29/8 vừa qua dựa trên một nghiên cứu được thực hiện với 150 cuộc phỏng vấn trong ngành tôm Việt Nam trải dài từ tháng 7/2023 đến tháng 5/2024 kết hợp với các nghiên cứu thực địa tại Việt Nam được thực hiện bởi sáu nhà nghiên cứu Việt Nam độc lập giấu tên cùng chuyên gia nước ngoài. Đây là nghiên cứu do Freedom Fund (Anh) và Humanity United (Mỹ) tài trợ.

Báo cáo với tựa Laboring for less so supermarkets profit more (tạm dịch là lao động giá rẻ để siêu thị có thêm lợi nhuận) chỉ ra rằng giá bán sỉ tôm xuống thấp sau đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều lao động trong ngành tôm Việt Nam bị trả lương thấp không đủ sống, bị mất thưởng, mất tiền làm thêm giờ, không được cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động, trong khi ngành tôm Việt Nam sử dụng gần 30.000 lao động trẻ em (theo số liệu của Chính phủ).

Theo báo cáo, vào năm 2018, thời kỳ trước đại dịch, giá tôm bán sỉ ở Việt Nam là 11 đô la một kg và người lao động thường được trả tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, bảo hộ lao động. Mặc dù vậy, vẫn có trường hợp bị bóc lột, đặc biệt là công nhân lột vỏ tôm. Số liệu của Chính phủ được Sustainability Incubator trích dẫn cho thấy, trong giai đoạn này, đã có gần 30.000 trẻ em làm việc trong ngành này.

Vào năm 2024, giá tôm tại Việt Nam đã tụt xuống mức trung bình là năm đô la cho một kg, khiến người sản xuất phải cắt giảm chi phí trả lương, thưởng cho công nhân.

Các phỏng vấn của Sustainability Incubator cho thấy, nhiều người nói rằng họ không còn được trả tiền làm thêm giờ, không được trả tiền mua đồ bảo hộ, không có sự minh bạch về tiền lương. Tiền lương mang về nhà của công nhân ngành tôm bị giảm từ 20 đến 60% so với trước đại dịch, trong khi điều kiện lao động không đáp ứng yêu cầu của Luật Lao động. Phần lớn công nhân ngành này cho biết họ giờ chỉ còn kiếm đủ tiền để chi trả chi phí sinh hoạt cơ bản cho một người. Những công nhân này về cơ bản đang mất thu nhập cần thiết của mình để cho các công ty đa quốc gia có được lợi nhuận cao hơn, báo cáo kết luận

Báo cáo mới cũng cho thấy các công ty trung gian trong dây chuyền cung ứng tôm, thường là một số nhỏ các công ty lớn đang ép giá tôm trên thị trường.

Những công ty này hiện vẫn thu được lợi nhuận từ tôm sau đại dịch bất chấp những nhà bán lẻ tôm của họ dường như đang giảm giá tôm xuống thấp hơn và đổi nguồn cung thường xuyên để tìm giá thấp. Các hãng lớn đã tạo hiệu quả cho mình bằng cách sử dụng trung gian để hạ giá thành bằng cách đưa giá thấp hơn giá thị trường cho người sản xuất.

Cũng theo báo cáo này, những nông dân nuôi tôm đang bị o ép giữa hai đầu. Một bên là công ty lớn nâng giá bán đồ ăn cho cá và các loại thuốc và một bên là các nhà máy sản xuất – xuất khẩu tôm nâng yêu cầu chất lượng trong khi lại trả giá thấp. Điều này khiến các nông dân phải trả chi phí cao hơn trong khi lợi nhuận lại xuống thấp. Các nông dân cho biết chi phí cho lao dộng của họ giờ chỉ ở mức từ 5 – 7% tổng chi phí – không đủ để trả cho làm thêm giờ và các thiết bị bảo hộ lao động theo luật.

Trong thông cáo báo chí ngày 3/9, VASEP cho rằng các cáo buộc của Sustainability Incubator là vô căn cứ, không đúng sự thật, gây hiểu lầm và gây tổn  hại đến uy tín của ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam.

“Để có thể xuất khẩu đến các thị trường, Việt Nam đã thực hiện nhiều bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc trong mọi ngành, bao gồm cả sản xuất tôm. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các luật và quy định lao động, thiết lập các cơ chế thực thi hiệu quả và thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có trách nhiệm”, VASEP viết trong thông cáo.

Theo VASEP, đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản ra hơn 170 thị trường trên thế giới. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9 – 11 tỷ đô la trong những năm gần đây. Ngành tôm đóng góp khoảng 40 đến 50% tổng giá trị, tương đương 3,5 đến 4 tỷ đô la mỗi năm và là động lực kinh tế chính của Việt Nam.

VASEP khẳng định, ngành này đang mang lại sinh kế cho hàng triệu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Theo VASEP: “Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam tự hào là 1 trong 4 nhà cung cấp tôm hàng đầu thế giới, chiếm 10-13% giá trị thị trường tôm thế giới”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.